QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TAND TỈNH LÀO CAI
Gắn liền với lịch sử phát triển của cách mạng và Tòa án nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai được thành lập và từng bước trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng. Vào đầu năm 1950 Ban thường vụ Trung ương Đảng mở chiến dịch Tây Bắc (chiến dịch Lê Hồng Phong) phạm vi thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai do Bộ tư lệnh chỉ đạo, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Bắc chỉ huy. Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lào Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến. Chiến dịch Lê Hồng Phong Kết thúc, ngày 01/11/1950 toàn tỉnh Lào Cai hoàn toàn được giải phóng, các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng được xây dựng và củng cố ở các cấp; theo đó Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai cũng được thành lập. Trước tháng 4/1953, TAND tỉnh Lào Cai chỉ giải quyết những vụ việc thông thường, những công việc khác đặc biệt là những vụ án chính trị trách nhiệm giải quyết thuộc ủy ban kháng chiến hành chính và Tòa án nhân dân liên khu. Từ tháng 4/1953, được sự ủy nhiệm của ủy ban kháng chiến hành chính khu Tây Bắc, UB tỉnh bắt đầu chuyển các việc chính trị sang cho TAND tỉnh xét xử. Trong giai đoạn lịch sử này, TAND tỉnh Lào Cai biên chế rất ít: năm 1956 chỉ có 06 cán bộ trong đó 01 công tố kiêm Chánh án, 01 cán bộ nghiên cứu năng lực Thẩm phán huyện, 02 Thư ký Tư pháp, 01 phiên dịch, 01 Thư ký hành chính tập sự. Bộ phận xét xử do 01 Thư ký Tư pháp làm các nhiệm vụ nghiên cứu, hỏi cung và lập hồ sơ; bộ phận công tố có 01 Thư ký Tư pháp phụ trách các việc hành chính Tư pháp, đánh máy. Đến năm 1959, biên chế của TAND tỉnh được tăng thêm 05 người nâng tổng số cán bộ lên 12 người. Tòa án nhân dân cấp huyện cũng được mở rộng (năm 1956 từ 05 TAND huyện: Sa pa, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, 01 TAND thị xã, đến năm 1969 thêm TAND huyện Si Ma Cai và TAND thị xã Lào Cai).
Quán triệt Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 20/01/1962 của Bộ chính trị, TAND tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác xét xử, trừng trị kịp thời và nghiêm khắc mọi hoạt động phản cách mạng, đặc biệt là đối với các hoạt động gián điệp, biệt kích, hoạt động chiến tranh tâm lý.
Trong những năm 1970-1972, đây là thời điểm chiến tranh ác liệt, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã gây thiệt hại to lớn cho nhân dân miền Bắc. thời điểm đó Lào Cai là một tỉnh biên giới nhiều thành phần dân tộc, kinh tế chưa phát triển, mặc dù không bị thiệt hại trực tiếp qua 2 đợt chiến tranh phá hoại, song do một số phong tục, tập quán của người dân ở đây có ảnh hưởng khá nặng nề; giác ngộ chính trị, xã hội của quần chúng nhân dân hạn chế, nạn tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tem phiếu, vật tư, cố ý làm sai chính sách, chế độ, nạn đầu cơ, móc ngoặc, buôn lậu diễn ra khá phổ, nhiệm vụ của Tòa án lúc này là trấn áp các phần tử phản cách mạng, giữ vững trật tự, trị an. Mặc dù người ít, việc nhiều nhưng cán bộ TAND tỉnh Lào Cai luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, một người làm nhiều việc, hoàn thành tốt chức năng xét xử, đẩy mạnh tuyên truyền và hoạt động khác, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội.
Ngày 27/12/1975 Quốc hội có Nghị quyết sáp nhập một số tỉnh thành để thành lập một số tỉnh mới trong đó có tỉnh Lào Cai. Theo đó Tòa án nhân dân 03 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ được sáp nhập thành TAND tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trong bối cảnh lịch sử cách mạng, đất nước sau khi thống nhất lại phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Bắc (năm 1979), tình hình chính trị bất ổn, nhiều loại tội phạm hoành hành, TAND tỉnh Lào Cai phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thêm vào đó cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ thiếu, tuy nhiên với sự cố gắng nỗ lực hết mình, đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp tội phạm, ổn định chính trị, trừng trị các hành vi vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế tài chính, cũng như các hành vi xâm phạm trật tự, trị an, an toàn xã hội, các hành vi vi phạm các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sau thời gian sáp nhập tỉnh Hoàng Liên Sơn, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 8/1991 về việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái, ngày 16/8/1991 Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyết định số 160/QLTA quyết định thành lập TAND tỉnh Lào Cai, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Lưu - Phó Chánh án TAND tỉnh Hoàng Liên Sơn giữ chức vụ Chánh án TAND tỉnh Lào Cai. Khi đó TAND tỉnh Lào Cai chỉ có 11 cán bộ trong đó Thẩm phán là 05 người. Đến tháng 10/1991 TAND tỉnh Lào Cai được bổ sung thêm 07 đồng chí nâng tổng số cán bộ lên 18 người. Ngày 01/10/1991 tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai được bố trí tập kết tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (chung trụ sở với Tòa án nhân dân huyện Bảo Thắng) bước đầu với muôn vàn khó khăn. Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 được Quốc hội thông qua, mở rộng thẩm quyền của Tòa án. Năm 1993, được sự giúp đỡ của Tỉnh và Bộ tư pháp, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai đã tiến hành xây dựng trụ sở làm việc tại thị xã Lào Cai với 04 dãy nhà xây cấp 4 lợp ngói, trong đó có 01 phòng xét xử và 12 phòng làm việc. Năm 1994, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai được nâng cấp, xây dựng trụ sở làm việc mới, 3 tầng với 28 phòng làm việc và 03 phòng xét xử, phòng cách ly bị cáo.
Trên cơ sở hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá X đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 02/4/2002, là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của ngành Toà án, từ đây hệ thống Toà án được quản lý thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Ngày 16/9/2002 Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai tiếp nhận bàn giao từ Sở tư pháp tỉnh Lào Cai toàn bộ công việc về tổ chức bộ máy và cán bộ của Toà án nhân dân thị xã Lào Cai và 08 Toà án nhân dân huyện, với tổng số 95 cán bộ công chức. Đồng thời theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 quy định, ngoài Toà hình sự, Toà dân sự, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai được thành lập thêm 03 Toà chuyên trách nữa, đó là Toà kinh tế, Toà lao động và Toà hành chính.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội, tháng 01/2004 huyện Than Uyên được tách ra thuộc tỉnh Lai Châu, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai đã bàn giao Toà án nhân dân huyện Than Uyên cho Toà án nhân dân tỉnh Lai Châu quản lý. Từ tháng 01/2004 đến nay Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai quản lý 09 Tòa án nhân dân huyện, thành phố.
Ngày nay trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, các cơ quan tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng cũng đang đẩy mạnh cải cách theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Dưới sự lãnh đạo của Toà án nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả. Tất cả các hoạt động công tác Tòa án trong thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả đáng kể. Chất lượng các hoạt động mà trọng tâm là hoạt động tranh tụng, xét xử được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực. Đổi mới thủ tục xét hỏi và mở rộng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa giúp cho việc xét xử đảm công bằng, dân chủ và nghiêm minh. Việc thực hiện thẩm quyền xét xử mới về hình sự, dân sự đối với Toà án nhân dân cấp huyện, đảm bảo chất lượng và xong trước lộ trình 02 năm (tháng 11/2007, 9/9 Toà án nhân dân huyện, thành phố, tỉnh Lào Cai đã được thực hiện thẩm quyền xét xử mới cả về hình sự và dân sự).
Thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cùng với việc sửa đổi, bổ sung các Bộ luật, Luật như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Tố tụng hành chính 2015; cải cách tư pháp được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, hệ thống Tòa án nhân dân có nhiều thay đổi, theo đó đối tượng khởi kiện hành chính được mở rộng, thẩm quyền giải quyết án hành chính của Tòa án cũng được mở rộng; mô hình phòng xét xử cũng được thay đổi như: sắp xếp vị trí ngồi của người tham gia tố tụng; người tiến hành tố tụng: Kiểm sát viên, người bào chữa ngang bằng nhau; thư ký ngồi trước, dưới Hội đồng xét xử; bỏ vành móng ngựa thay bằng bục khai báo… Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai cũng được sắp xếp lại về tổ chức, tại Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai có 05 Tòa chuyên trách, 03 Phòng giúp việc (Tòa hình sự, Tòa hành chính, Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Văn phòng, Phòng TCCB-thanh tra và TĐKT, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án), thành lập bộ phận Hành chính tư pháp thuộc Văn phòng, đưa toàn bộ các thủ tục như: tiếp nhận đơn, thụ lý, đề xuất phân công Thẩm phán, lên lịch xét xử; giao, gửi các văn bản tố tụng… về Văn phòng. Tại 09 Tòa án nhân dân huyện, thành phố trực thuộc đều được thành lập Văn phòng và đưa Bộ phận hành chính tư pháp về Văn phòng. Đội ngũ cán bộ, Hội thẩm nhân dân cũng được củng cố và tăng cường về số lượng, chất lượng. Đến 30/6/2018 Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai có 50 Thẩm phán, 69 Thẩm tra viên + thư ký và 208 vị Hội thẩm nhân dân được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Cơ sở vật chất được củng cố, nhiều trụ sở Tòa án được xây mới, tăng cường máy móc, thiết bị để phục vụ nhiệm vụ công tác.
Từ khi tái lập tỉnh năm 1991 đến tháng 8/2015, TAND hai cấp tỉnh Lào Cai đã xét xử tổng số 39.633 vụ việc các loại, trong đó án hình sự 12.418 vụ với 18.779 bị cáo; 25.034 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, Kinh tế, Lao động; 363 vụ án hành chính; 1.818 việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; Đưa ra xét xử lưu động gần 2.000 vụ án phục vụ chính trị tại điạ phương. Trong quá trình giải quyết đã đẩy nhanh tiến độ xét xử, do vậy tỷ lệ giải quyết bình quân hàng năm đạt trên 96% vượt chỉ tiêu TANDTC đề ra; việc xét xử đảm bảo đúng thời hạn luật định, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Công tác Thi hành án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Lào Cai đã góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn, tạo tiền đề, điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển.